- Spoiler:
1. Hà Nội ngày 39C Mặt đất đang nóng như thế nào thì đầu Vũ cũng bừng bừng như thế. Thì đang ngủ, thằng Đạt gọi sang đòi mượn bằng được mấy cái đĩa breakdance. Để thằng bạn khỏi mất công đi một vòng tránh đường một chiều, Vũ vội ra ngã tư Giám-Tôn Đức Thắng đứng chờ, quên cả mũ nón. Chờ đến 15 mới thấy Đạt phóng xe tới. - Thế nào, đẹp chứ! - Đạt cười, nhìn Vũ trố mắt ngắm con Nouvo mới cáu của nó Chẳng cần thằng bạn khoe, Vũ cũng đoán được đấy là phần thưởng đỗ Đại học của nó. - Lên đi, tao đèo về - Đạt tít mắt - Khỏi! Tao chẳng đủ tiền trả xe ôm đâu. Đi bộ được rồi. Nghe vậy, Đạt cũng chẳng khách sáo, bye bye thằng bạn rồi rồ ga phóng thẳng. Vũ nhìn theo, thở dài. Nó cũng đã từng suýt có một con Nouvo như vậy. Ba mẹ đã bảo chỉ cần nó đỗ Đại học, nó sẽ có. Nhưng có lẽ không phải năm nay, vì nó trượt.
Từ hôm biết điểm, cả chục ngày nay Vũ chẳng buồn ra khỏi nhà, suốt ngày ở nhà ôm cái PC, online suốt ngày nghe bọn bạn cùng cảnh ngộ ca cẩm. Hôm nay không phải thấy tội thằng bạn lóc cóc xe đạp đi xa thì nó đã chẳng nó đi bộ ra đây, nhưng giờ nó lại thấy tội nghiệp cho mình.
Trên đường về nhà, đi qua cổng Văn Miếu, bỗng Vũ thấy có một đám trẻ con đang đứng túm tụm lại. Vốn tò mò, nó cũng ngó đầu vào thì thấy có ba nhóc nước ngoài đang ngồi quanh ông lão làm tò he. Trên tay hai cô bé mắt xanh mỗi người cầm một con tò he, trong khi cậu bé còn lại đang khua chân khua tay cố gắng miêu tả cho ông lão hiểu con tò he cậu muốn ông làm. Với vốn tiếng Anh cũng khá khẩm, khiến Vũ hiểu cậu bé đang miêu tả Người nhện. Nhìn cậu bé đang cố diễn đạt đến toát mồ hôi, Vũ cũng thấy tội nghiệp, thế là nó thành phiên dịch viên bất đắc dĩ. Nghe cậu bé cao hơn nó cả cái đầu, tay cầm người nhện, nhìn nó nói câu “thanks” đầy biết ơn, tự nhiên Vũ thấy vui vui. Suốt quãng đường còn lại về nhà, thằng nhóc vừa đi vừa huýt sáo.
2 Nhà sách - Hi! - Một bàn tay đập bộp vai làm Vũ giật nảy mình quay lại. Thằng nhóc mấy hôm trước gặp ở cổng Văn Miếu nhìn nó, hồ hởi: - Lại gặp nữa rồi! Anh đi mua sách à? - Ừ! – Vũ trả lời, trong bụng thầm nghĩ “đi đọc cọp thì có”. - À, đi mua bản đồ. Hà Nội nóng quá. Anh có khuyên gì bọn này không? - Thằng nhóc trả lời ánh mắt tò mò của Vũ. Hai cô gái cùng nhóm thấy thằng nhóc vẫy gọi cũng đã tiến lại chỗ nó đứng. - Nếu chỉ đi ngắn ngày, các bạn nên lên Tam Đảo, trên đấy vừa mát mẻ mà không khí cũng trong lành. Đi đầu tuần sẽ đỡ đông… Vũ giới thiệu một hồi, làm bọn kia đứng ngẩn mặt, chăm chú nghe. Bỗng thằng nhóc chen ngang: - Vậy anh là hướng dẫn viên à? - Không, suýt thôi! Nhưng anh cũng từng đến đó vài lần nên biết. Tụi kia quay sang bàn bạc gì đó với nhau còn Vũ quay ra đọc cọp tiếp cuốn truyện tranh. - Nếu bạn rỗi thì đi cùng bọn mình nhé! – Cô bé tóc vàng, Larry, đề nghị - Dù sao bạn cũng biết hơn bọn mình, đi càng đông càng vui, phải không? Chi phí bọn mình chịu. Vũ bất ngờ bởi lời mời, gật đầu, sau khi thòng thêm một câu: - Chúng mình sẽ chia đều.
3. Nhật ký đi đường Ngày…tháng….năm Ban tối, mình nói với ba mẹ về chuyến đi. Ba mẹ đồng ý, hơi bất ngờ, cứ tưởng sẽ phải nói khó. Ba mẹ bảo muốn cho tâm lý mình thoải mái một tí, chứ cứ ngồi nhà dí mắt vào PC cũng chẳng hay ho gì. Vừa chuẩn bị đồ xong, một balô to uỳnh. Mình thường thấy trong phim và trên tiểu thuyết, trong mỗi chuyến đi khám phá người ta thường hay viết “Nhật ký đi đường”, cũng hay hay nên mình cũng thử viết, để sau này có cái lưu truyền cho con cháu. Hehe. Nhưng nói thật hồi hộp quá, định đi ngủ sớm mà mãi cứ trằn trọc nên bò dậy viết vài dòng…
Ngày…tháng...năm… Thế là bọn mình thành một nhóm, Tracy – tóc vàng, Larry – cao kều, Cathy – tóc ngắn và mình - thằng nhóc tuy lớn tuổi nhất nhưng lại thấp nhất đoàn. Bây giờ là 12h trưa, vừa mới lên. Ngồi xe bus mệt lử. Thế mà vừa vứt balô lên phòng nghỉ, tụi kia đã hỏi đường đi chơi rồi. Mình thì chỉ muốn duỗi thẳng cẳng ra giường, tiết trời man mát làm mắt mình díp cả lại, muốn ngủ lắm nhưng làm thế bất lịch sự quá. Thôi đành phải cố vậy.
Bây giờ là 12h đêm. Mọi người vừa ngủ. Hôm nay mệt thật đấy. Ban trưa, ăn xong, tụi kia kéo mình chỉ đường lên Thác Bạc, mình leo dốc thở hộc bơ mà bọn nó đi như không ý. Chơi mãi đến gần 5h chiều mới về. Trên đường, nhìn những dàn su su xanh mướt, tụi nó cứ “oh, ah” mãi. Ngộ thiệt! Lúc về, mây ngang tầm với, cứ mịt mù, đứng gần nhau mà cứ thấy mờ mờ ảo ảo, cái cảm giác ấy thích thật đấy! Nhưng cũng vì thế mà hôm nay suýt lạc mất Tracy, cả bọn sợ, nên về sớm. Đi cả ngày mệt, không khí lại mát mẻ nên ai cũng ăn được nhiều, mấy nhóc kia có vẻ đang khoái khẩu món su su luộc chấm vừng.
Nhà trọ mình ở bé tẹo, nằm lọt thỏm so với mặt đường. Từ phòng mình và Larry, nhìn thẳng ra là mặt đường. Từ cửa sổ cách đường cũng chỉ mét rưỡi. Đôi khi nghĩ mấy con bò đang đi ngoài kia bỗng nổi hứng phi thân qua cửa sổ, đủ làm mình ớn cả người, trong khi Larry bảo nếu thế thật nó sẽ thử vuốt ve mấy chú bò. Mình bắt đầu thấy díp cả mắt, viết bằng ánh sáng đèn pin làm mình đau cả mắt. Ai bảo ban tối, hết trò chơi, mình rủ tụi nó thi kể chuyện ma. Thế là bốn đứa, trùm chăn, tắt đèn kể chuyện ma. Những câu chuyện trong quyển “Liêu trai chí dị” mà mình từng đọc, những tên cướp biển với những con tàu ma, lại còn tiếng gió vít những ngọn tre xào xạc bên kia đường nữa chứ. Báo hại cho Tracy, Cathy sợ không dám ngủ một mình, tụi nó ôm gối sang bắt mình với Larry nhường giường, trải chăn xuống đất mà nằm. Lần sau thì mình cạch…
Ngày…tháng…năm… Mưa từ đêm qua mãi chưa dứt. Thấy anh lễ tân bảo bão đang về. Chán. Cả bọn đành loanh quanh chơi trong nhà trọ. Larry chơi với con mèo tam thể, Cathy và Tracy, đứa nghe ipod, đứa ngồi nghịch mưa ở ngoài hiên, còn mình chẳng biết làm gì nên lôi nhật ký ra viết, nhưng cũng chẳng có gì để viết cả, chẳng bù hôm qua…Giá cứ được tất bật như thế lại hay. Thôi đành đi ngủ vậy. Ngày…tháng….năm… Vẫn mưa. Có lẽ phải 3, 4 ngày nữa mới hết. Trò kể chuyện ma mãi cũng chán. Hôm nay dự định đưa mọi người đi đến đền Tây Thiên, chùa Can Bi… nhưng xem ra hỏng hết rồi.
Ngày…tháng…năm… Vẫn mưa. Mình vừa đi hỏi xem có xe về Hà Nội không, nhưng lễ tân bảo đoạn đường vào đây bị lở đất nên trong mấy ngày nữa chưa chắc đã có xe. Chán! Thế là bị giam chân ở đây sao?
Ngày…tháng…năm… Mệt phờ! Quảng cáo Lifebouy cho mình một ý tưởng hay đến bất ngờ. Mưa đã ngớt. 7h sáng, mình lôi 3 đứa kia dậy, nói là đưa đến một nơi thú vị. Cả bọn đội mưa, đi bộ gần 5 cây số đến nơi bị lở đất và bắt đầu dọn dẹp… Có hơn hai chục người nữa làm với bọn mình, ban đầu họ ngạc nhiên khi thấy ba cô cậu nước ngoài cũng xách đất, nhặt đá… nhưng phải nói ba tên đấy làm trâu thật, mình chẳng quen với việc này lắm nên cứ hụt hết cả hơi. Nhìn họ hào hứng làm việc, những giọt mồ hôi trộn lẫn nước mưa lấm tấm đầy trên những khuôn mặt khiến mình cũng phải cố gắng mà theo, không thể để thua được… Chiều, mưa ngừng. Việc dọn dẹp đoạn đường đó đã xong, nhưng trời tối quá, không về được nhà trọ, bốn đứa ở tạm nhà của một gia đình gần đó. Ba đứa kia hí hửng chui xuống bếp nướng khoai, còn mình phụ trách nồi ngô luộc tranh thủ viết mấy dòng... 4. Những cuộc hành trình Ngày…tháng…năm… Vừa tiễn tụi kia ra ga đi Huế. Trước lúc đi, Cathy đưa cho mình một quyển sổ to bự, nói là quà cảm ơn của tụi nó. Bất ngờ hơn nữa là những dòng tâm sự viết ở ngay trang đầu, mình đã đọc đến thuộc: “ Cảm ơn vì chuyến đi. Nói thật, bọn này chưa bao giờ nghĩ sẽ được tham gia một tour “trải nghiệm” được sống, làm việc với người dân bản địa như thế vì thường giá rất đắt. Thế nên rất cảm ơn! Bọn này biết anh vẫn viết sổ tay đi đường, nên tặng anh quyển sổ này, mong sẽ sớm đầy những lịch trình, những tour, những kỷ niệm…” Vậy là họ lại lên đường, tiếp tục cuộc hành trình khám phá Việt Nam. Còn mình, sẽ tiếp tục cuộc hành trình khám phá bản thân, tìm cho mình một con đường để tiếp tục theo đuổi những mơ ước, đó có thể là một con đường vòng, cũng có thể là một con đường gập ghềnh, nhưng mình vẫn sẽ đi. Quyết thế!
- Spoiler:
Cậu chủ tên là Long, theo tôi nghĩ, là một người quái đản. Bình thường, cậu vẫn gọi tôi là Hoa, nhưng thỉnh thoảng hứng lên lại gọi tôi là Vịt. Tôi mà là Vịt? Nếu cả hai mà cùng ở quê, tôi đã mắng cho cậu một trận nhớ đời, vì tôi đã từng là hoa khôi của lớp 10A trường huyện. Vậy mà lên Hà Nội, tôi lại biến thành Vịt, thế mới tức.
Cậu Long năm nay học lớp 11, cũng chỉ bằng tuổi tôi. Tôi vì hoàn cảnh phải đi “giúp đỡ hai bác việc nhà” nên mới phải bỏ học, chứ không thì… đừng có mà hòng. Ở quê tôi, con trai con gái bằng tuổi nhau thì con trai cứ phải gọi con gái bằng chị. Còn ở Hà Nội, chỉ vì cậu Long là cậu chủ nên mới dám lên mặt như thế.
Căn nhà này cũng quái đản nốt. Nó có cái gì khiến tôi thấy bức bối khó chịu mà không thể giải thích. Cả nhà đi biền biệt suốt ngày, ở nhà chỉ còn mình tôi, lau chùi, dọn dẹp, cho chó cho mèo ăn, giặt giũ cho cả nhà, đến bữa thì nấu cơm, rửa bát, nói chung tất tật công việc nội trợ. Càng gần đến ngày Tết tôi càng thấy lo hơn, như ở quê tôi, Tết là tối mắt tối mũi. Nhưng may thay, năm nay ông chủ quyền to nhất nhà là bác Phương đã tuyên bố “tiến hành cải cách triệt để” - là không gói bánh chưng, không làm mứt, không kho cá, không thổi xôi, tất cả ra siêu thị đem về! Tôi thở phào nhẹ nhõm. Buổi tối, tranh thủ lúc đổ rác, mấy cô ôsin châu mỏ vào nhau thông báo tin tức. Thì ra, cả cái khu nhà sang trọng này đều thế, đi siêu thị! Miễn gói bánh chưng!
Nhưng dù sao, lòng tôi đã quyết, đây là năm cuối cùng, Tết cuối cùng tôi ở với họ. Tôi đã thưa chuyện với hai bác chủ, từ ngày mai, tôi xin phép về với mẹ, xin phép thôi không làm "nội trợ" cho hai bác nữa. Tôi nhớ nhà, tôi muốn đi học trở lại...
***
Lúc này, tôi đang phải lau chùi bộ bàn ghế gụ to tướng ở phòng khách. Đến cái bộ bàn ghế cũng quái đản. Màu thì đen thủi đen thui. Chạm khắc thì cầu kỳ. Lưng tựa của bốn cái ghế chạm khắc bốn kiểu cây chẳng ra cây, cối chẳng ra cối, lá không ra lá, quả chẳng phải quả. Tôi phải vo tròn giẻ lau, đút vào những cái lỗ bé xíu, kéo đi kéo lại cho kỳ hết bụi. Dù sắp đi, nhưng tôi vẫn cố gắng làm thật tốt mọi việc. Tôi vừa lau, vừa lẩm bẩm: Bàn ghế ơi, đây là lần cuối cùng tao lau chùi cho chúng mày đây... - Vịt! Bất ngờ, cậu Long từ ngoài đường nhảy xổ vào, kêu to, làm tôi giật bắn người. Kiểu này là lại có chuyện gì đây. Bình thường, cậu Long trầm lặng, ít nói, nhưng cục tính, dễ cáu. Thỉnh thoảng cậu lừ lừ đôi mắt, nặng chịch khuôn mặt làm tôi phát khiếp. Nghe cậu gọi, tôi cứ lơ đi. Tôi ra vẻ ngoan ngoãn, vẫn chăm chú lau chùi. Cậu có gì đó đặc biệt, nhảy lò cò một vòng quanh tôi - đúng hơn là quanh bộ bàn ghế - rồi rút từ trong túi ra một gói nhỏ bọc giấy trang kim lấp lánh: - Này, Vịt, tặng ấy nhân ngày Tết. Mà, ấy định thôi không làm cho nhà tớ nữa à? Cái gói trang kim lập lòe trước mặt, thật ngứa mắt. Tôi giơ tay cầm lấy, lẳng lặng vứt toẹt ngay vào xô nước bẩn bên cạnh. Đừng có mà coi thường tôi! Cậu Long đần mặt. Đây không phải lần đầu tiên tôi với cậu "có chuyện". Hồi mới đến làm, được đúng hai tuần thì cậu lừa lừa lúc tôi đang ngủ cắt xoẹt ngay một bên đuôi sam của tôi. Tôi điên tiết, nhảy chồm chồm, định cho cậu ta một trận. Nhưng rồi tôi dằn lòng lại. Dù sao, tôi cũng là đứa đi làm thuê, còn cậu lại là con cưng của ông chủ. Đêm hôm ấy, tôi chẳng thể cầm được nước mắt vì nuối tiếc mớ tóc dài mượt, vì tức tối, vì tủi thân. Và còn vì cả hai tuần căng thẳng đầy thử thách. Và vì cả ba tháng vất vả và cực nhục trước khi bước chân vào cánh cửa nhà này... Bố tôi mất sớm, đến giờ tôi cũng không rõ ông bị bệnh gì mà mất. Nhà chỉ còn mẹ, tôi và em gái bé bỏng. Việc gì cũng đến tay ba mẹ con, kể cả đào đất đá ong đóng gạch, trộn đất trát tường. Nhà tôi ở chân một quả đồi nhỏ vùng trung du, sau nhà là cả một rừng bạch đàn lúc nào cũng xanh mướt và thơm nức mùi dầu bạch đàn. Dù nhà nghèo nhưng tôi vẫn được đi học đến lớp 10. Buổi sáng, khi miệng giếng còn bốc khói mờ mờ, tôi đã dậy chuẩn bị rửa củ (quê tôi gọi khoai là củ), nấu cơm cho cả nhà, băm một rổ bèo, rồi mới leo lên cái xe đạp cà tàng đến trường. Còn em gái tôi dắt trâu đi chăn, mẹ nấu cám rồi ra đồng. Buổi trưa đi học về, lẽ ra đi đường thẳng ngắn hơn, nhưng tôi vẫn thích vòng một đoạn để đi theo bờ con sông đào lúc nào cũng ăm ắp nước, rồi qua cầu treo, rồi vòng qua một quả đồi rồi mới về nhà. Con đường đất đỏ kêu sào sạo dưới bánh xe nghe rất thích. Nhiều khi tôi dừng xe, tranh thủ leo lên sườn đồi cắt giàng giàng về làm củi đun, vừa cắt vừa liếc tìm xem đã có quả sim nào chín chưa... Giàng giàng đun sướng lắm, khi cháy lửa reo reo phần phật, vui tai vô cùng, và khi đó đôi má nóng ran ran... Lũ con trai rất hay nhìn trộm tôi, tôi biết, và đêm nào cũng hãnh diện thầm một mình.
Thế rồi mẹ tôi ốm. Nhà vẫn cứ phải ăn, phải thuốc men, phải mua cái này cái nọ. Ruộng thì chẳng ai làm. Có bác Hoành trên Hà nội về, thấy tôi khỏe mạnh ngoan ngoãn, bác bảo sẽ xin cho đi giúp việc một bà người quen trên ấy, tiền công tính ra còn hơn hẳn làm ruộng phập phù. Thế là tôi đi, vĩnh biệt học hành, sách vở gói lại, mọi việc nhà trông cậy vào con em gái mười hai tuổi và bà ngoại ở gần.
Bác gái ở nhà tôi giúp việc tính tình rất lạ lùng. Khi có khách hay khi ra ngoài, bà sởi lởi dễ thương dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, ăn mặc son phấn đẹp đẽ, ấy thế mà khi ở nhà không có người lạ bà trở nên khác hẳn, suốt ngày cáu kỉnh và đầy nghi ngờ hết thảy mọi người, từ chồng đến con. Được cái, bà rất cẩn thận dạy tôi cách dùng máy giặt, cách là quần áo, cách nấu thức ăn, cách ăn nói nhỏ nhẹ. Nhưng tệ hại nhất là bà thường trực nỗi nghi ngờ tôi lấy một cái gì đó của bà mà chưa xác định được. Giúp việc cho bà ba tháng dài như ba năm. Rồi đùng một cái, đúng cái ngày tôi diện bộ quần áo đẹp nhất định ra phố mua quà về cho mẹ thì bà sa thải tôi.
May quá, bác Hoành lại ra tay kịp thời. Bác xin cho tôi giúp việc nhà khác, là anh con dì con già của bên thông gia nhà em con ông chú của bác Hoành, với danh nghĩa không phải là ôsin, mà là cô cháu gái nội trợ, oai không? Tuy lằng nhằng thế, nhưng cũng là họ hàng hang hốc, không sợ bị bắt nạt, thu nhập khá hơn. Và thế là tôi đã khăn gói đến nhà bác Phương... ***
Bác Phương to béo, có cái nhìn như thấu tâm can người ta. Mới đến, bác đã sai tôi giặt quần áo. Tôi lựa quần áo sáng màu để riêng, quần áo cậu Long giặt riêng, vì bẩn khủng khiếp, còn cái quần nhung của bác gái - tên là Lan - tôi vò tay giũ tay cho khỏi hỏng. Giặt xong, tôi lau chùi máy giặt cẩn thận. Suốt 2 tiếng đồng hồ, bác Phương kê ghế ngồi đọc báo gần đó. Xong xuôi, bác bảo bác đã từng trả về quê đến ba cô cháu gái chỉ vì không biết phân biệt màu quần áo, không biết lau sạch máy sau khi dùng. Tôi hú vía, thầm cám ơn cái bà đã sa thải tôi vì đã dạy tôi đủ điều.
Bác Phương buôn bán gì chẳng biết, đi suốt, bảy ngày thì sáu ngày không ăn cơm nhà, nhưng giàu lắm, thỉnh thoảng tôi thấy bác về ném cho bác Lan cục tiền to tướng, bác Lan lại cất vào cái két to tướng. Bác Lan là cô giáo, nhưng sao trông phiền muộn suốt ngày, chẳng có học trò đến thăm, ngay cả ngày 20 tháng 11 cũng vậy, và cũng ở trường suốt, tối mới về nhà. Cậu Long, suốt ngày mất mặt. Mà khi có mặt ở nhà là bắt đầu phá phách hết cái nọ đến cái kia. Cô út học lớp bảy mà cũng... đi học suốt ngày. Hai anh em mà như mặt trăng mặt trời. Thành thử cả cái nhà rộng mênh mông có mình tôi cai quản, được cái phòng nào cũng khóa, tủ nào cũng khóa, nên tôi thấy yên tâm. Tôi có một con chó và một con mèo làm bạn, chúng yêu quý tôi hơn chủ chúng nhiều. Cái đêm hôm tôi khóc ấm ức vì bị cậu Long cắt trộm một bên đuôi sam, con chó suốt đêm nằm dưới giường tôi, thỉnh thoảng rên ư ử như thông cảm với tôi, còn con mèo cuộn tròn trong lòng tôi, thỉnh thoảng lại xòe móng ra bấm nhẹ lên tay tôi.
Hôm sau, nhân lúc cậu Long về nhà, tôi lôi cậu xuống bếp - là nơi thân thuộc nhất của tôi, dễ nói chuyện nhất. Khổ thân cậu còi, con trai thành phố ẽo ợt như cỏ lau. Tôi chất vấn tại sao lại cắt tóc tôi. Cậu bảo tôi quê lắm, đi đường mà lủng lẳng đôi đuôi sam là dễ bị trêu ghẹo, dễ bị dụ dỗ bán lên biên giới, con gái bây giờ phải tóc ngắn, hiểu chưa? Tôi chẳng hiểu gì cả. Vậy cậu cắt tóc tôi là có lòng tốt à? Đương nhiên, cậu bảo, trông còn xinh lên nữa. Bất kể chủ hay tớ, tôi đã quại cho cậu một quả vào lưng, giống như hồi ở quê tôi đã cho một thằng cùng lớp ăn đấm vì hỗn láo. Cậu nhăn nhó mất mấy ngày, tôi lo lắng mất mấy ngày vì sợ mất việc, rồi mọi chuyện cũng qua. Dần dần, tôi thấy tóc ngắn cũng... xinh!
Đến tháng sau, cậu ta lại giở trò ma dọa tôi. Cậu lấy tấm ga trắng trùm kín đầu, nửa đêm mò xuống bếp gần chỗ tôi ngủ, ú ớ hoa chân múa tay. Tôi mở mắt, thấy vậy run hết cả người, nhưng sau phát hiện ra con chó nằm chân giường vẫy đuôi, thế là tôi biết tỏng trò nghịch của cậu. Tôi thầm thì: ôi con ma, khiếp quá, khiếp quá, rồi vớ lấy cái chổi quật lia quật lịa vào con ma, làm con ma chạy vù lên gác.
Dần dà, tôi phát hiện cậu Long là cả một mớ mâu thuẫn. Cậu bảo cậu căm thù chuyện học hành, nhưng có lúc lại học như điên. Mấy lần cậu xuống bếp, vớ lấy một cái bát hay một cái cốc đập vỡ tan tành rồi bỏ đi. Có lúc cậu bảo cậu đốt nhà cho cả nhà biết tay, nhưng có lúc lại đỡ đần tôi việc quét nhà. Gớm khiếp, ai cần cậu đỡ, bẩn vẫn hoàn bẩn, vẫn phải thân tôi đi quét lại.
Và hôm nay, lại còn giở trò tặng quà Tết nữa chứ! Không thấy tôi đang lau bàn ghế à, lau nhanh rồi còn xin phép về quê chứ! Còn phải lo cái Tết cho mẹ, cho em chứ! Hôm qua tôi đã nói với cô Lan chuẩn bị thanh toán tiền công cho tôi... - Cậu không đi mua cành đào à? Thấy bác bảo đấy là việc của cậu? - Thấy Long vẫn đứng đó, tôi thấy động lòng, dù sao thì ngày Tết cũng không nên vứt quà của người ta vào sọt rác. - Không đi. - Long nhấm nhẳn. - Sao thế? - Nghe đây, Vịt. Tớ nghĩ kỹ rồi. Ấy mà đi thì tớ buồn lắm. Cái nhà này như cái nhà ma. Không có ấy, tớ thấy... thấy... cô đơn... Tôi phì cười. Cậu Long đi. Tôi bắt đầu xắn tay áo lau cầu thang. Buổi tối, mọi việc đã xong. Đêm, mọi người đã đi ngủ hết, tôi đã gói ghém xong đồ, tiền công đã nhận, khoan khoái và nhớ nhà da diết. Lúc ấy, bất đồ cậu Long xuống nhà gặp tôi. Cậu đưa tôi một túi nylon đầy sách và khá nhiều vở mới, cả một gói to đầy bút bi. - Hoa ạ, - cậu nói - tớ biết hoàn cảnh nhà ấy, nhưng bỏ học thì không nên. Con gái hiện đại tóc phải ngắn, đầu phải to, tức là chứa nhiều chữ. Tặng ấy sách vở. Nhớ là dù gì thì ấy cũng phải cố đi học tiếp đấy. Lần này, tôi nhận. Sáng hôm sau, cậu Long đèo tôi ra tận bến xe. Trời đầy sương mù giăng giăng. Phố phường giáp Tết người đi lại đông nghìn nghịt. Tôi lên ô tô, thò đầu ra nhìn cậu. Mãi đến khi xe chạy, tôi còn nghe thoảng tiếng gọi với theo: - Vịt ơi, Vịt ơi...
- TRUYỆN CỔ TÍCH VỀ ĐÊM CẦU VỒNG
- Spoiler:
Viết cho My xinh và một cầu vồng nhỏ!
My ghét môn Lý, ghét cay ghét đắng đi được ý chứ. Ghét như kiểu sáng nào ngủ dậy cũng phải ăn bánh mì với sữa. Mà đôi khi người ta có thể ghét một thứ chẳng vì gì cả, như khi người ta có thể yêu quý một thứ chẳng vì lí do gì, đúng không?
Dĩ nhiên là không đúng rồi, Quang chắc chắn sẽ trả lời như thế! Bởi đơn giản, Quang yêu môn Lý nhất. Đã mấy lần nó định lên giọng với cô bạn về tầm quan trọng của môn này, cũng như quan trọng không kém là việc My có thể trượt tốt nghiệp ngon ơ nếu không học Lý tử tế. Nhưng cái ước ao nhỏ nhoi mãi vẫn chưa thực hiện được, bởi Quang sẽ lại nghĩ ngay tới cái môn Văn cực kì ẩm ương của mình, nghĩ tới cái cảm giác “nhức đầu chóng mặt” mỗi khi phải học thuộc một bài thơ độ nửa trang sách giáo khoa. Và thế là nó lại thôi! Thế nên hôm nay, khi bước vào lớp, cái nắng oi ả của ngày hè 37 độ chưa đủ shock bằng cái câu mà My đang nói rành rọt trước mặt nó: Tớ-bắt-đầu-thích-môn-Lý. “Cái gì, nói lại xem nào?” Lặp lại vẫn câu nói đấy, và vẫn bản mặt mà moi móc đâu cũng thấy độ chân thật cao. Thảng thốt, và ngạc nhiên… “Từ bao giờ thế?” “Từ mới hôm qua thôi”
Quang bắt đầu lục lại trí nhớ, hôm qua có sự kiện gì nhỉ? À hôm qua có tiết Lý, vẫn cô Thuỷ, vẫn một phong cách dạy có “độ ru ngủ cao” với những đứa không thực sự tha thiết với môn này. Học tiếp chương Quang hình, đến bài “Hiện tượng tán sắc ánh sáng”. Chả có gì lạ lùng cả.
“Thế chính xác vì cái gì mà cậu thích nó?” “Vì tớ thích cầu vồng, vậy thôi!” Nói rồi, cô bạn bỏ lên bàn trên, để lại một chú bé đang ngồi “suy tư” rất chi là cụ Khốt.
***
Quang là bạn thân với My từ nhỏ, nhà hai đứa gần nhau, hai ông bố lại làm chung một cơ quan. Quang vẫn còn nhớ rất rõ một hình ảnh My từ rất lâu rồi, một con bé tóc dài, đanh đá, mồm to, luôn muốn chiến thắng trong mọi cuộc chơi. Quang thì ít nói, hiền lành, và hai đứa gần như là một sự bổ sung tính cách hoàn hảo cho nhau.
Thời ấu thơ qua nhanh, nhưng Quang vẫn luôn khẽ cười một mình khi nhớ lại một buổi chiều sau cơn mưa, trên sân lớp mẫu giáo, con bé My đầu gấu mọi ngày bỗng đứng ngây ra trước một dải ánh sáng kỳ ảo cứ lấp lánh mãi trong không gian còn bàng bạc, ẩm ướt sau cơn mưa. Dường như để khẳng định “tình yêu bé” với môn Lý đã bắt đầu manh nha trong mình, ngay chiều hôm sau, My “hâm” kéo tuột Quang ra khỏi nhà để đi-xem-cầu-vồng.
Quang kêu rầm lên: “Khá khẩm phết nhỉ! Nhưng vấn đề ở chỗ Hà Nội mấy ngày này, nhiệt độ toàn từ 27 đến 36 độ, gió Tây Nam cấp 3 và độ ẩm là 60%, lấy đâu ra mưa mà có cầu vồng.”
Nhưng nhìn cái mặt hớn hở của My, Quang đành nín nhịn. Hai đứa chung một xe đạp, phóng như bay trên đường Hoàng Diệu, đâm ra phố Phan Đình Phùng, thẳng tiến vườn hoa Hàng Đậu. Hai đứa gửi xe, rồi My kéo Quang ra chỗ vòi phun nước, líu ríu: “Làm theo tớ nhé, nheo mắt vào, nhìn qua làn nước này” Quang làm theo, chỉ đến khi trước mắt Quang hiện ra loang loáng một vệt sáng nhiều sắc, Quang mới hiểu đấy là nguyên nhân tại sao bạn mình lại bảo đấy là cầu vồng. “Hay nhỉ!” – Cậu lầm bầm. “ừ, dĩ nhiên, bản chất của nó là hiện tượng tán sắc ánh sáng mà, khi ánh sáng đi qua màn hơi nước…” – My cười. Ái chà, tình yêu (dù là với một môn khá là khô khan như Vật lý) có thể làm người ta thay đổi kinh khủng như thế đấy.
Những ngày ôn tập cho kì thi cuối cấp nóng bỏng cuốn hai đứa mệt nhoài. Trò chơi đi tìm cầu vồng gần như trôi vào lãng quên. Kì thi tốt nghiệp rồi cũng qua. Cả lớp được bố mẹ động viên cho một chuyến đi picnic 2 ngày. My ngồi đối diện với Quang trên xe, nhưng đã... thiu thiu ngủ từ lúc nào, nét mặt bình yên, cái miệng bĩu bĩu ngộ nghĩnh.
Đêm đốt lửa trại, tụi bạn chơi bời đập phá rồi ôm nhau ngủ ngon lành. Mưa rào một trận rồi tạnh ngay, đột ngột như khi bắt đầu. “Đi dạo không Quang?”- My nổi hứng “du lịch mạo hiểm”. “Ừ, đi!” – Quang gật gù. Hai đứa vẩn vơ nói đủ chuyện trên trời dưới đất, cả những ước mơ về một trường Đại học như mong muốn. Sau cơn mưa, rừng còn ngai ngái mùi hơi nước, mùi lá mục. Lòng vòng chán chê, My kêu mỏi chân. Hai đứa ngồi bên nhau một tảng đá bằng phẳng ngay giữa khoảng trống trong rừng. My khẽ dựa đầu vào vai Quang, nghe cậu bạn hát khe khẽ rồi ngủ lơ mơ... Chưa bao giờ Quang trải qua trạng thái ấy, một cảm giác lạ lùng - trong trẻo và bình yên. Đột nhiên, cậu nhìn lên trời, câu hát im bặt.
Có tin được không, khi cái dải lụa ánh sáng vắt ngang nền trời đêm lúc ấy chính là... cầu vồng. Chắc chắn thế, không lẫn vào đâu được - một cầu vồng lung linh hiện ra giữa nửa đêm.
Quang chỉ muốn gọi My dậy, hét to lên rằng: "Cầu vồng kìa! My ơi!". Nhưng, một chút ích kỷ làm cậu lừng chừng, vì cậu rất không muốn phá vỡ cái khoảnh khắc kỳ diệu có lẽ chẳng bao giờ lặp lại này - My ngủ ngon, hiền lành trên vai mình.
Mà thôi, bao giờ My thức, Quang sẽ kể cho My nghe, rằng cầu vồng đã xuất hiện nửa đêm đấy, rất đẹp và lung linh đấy. Dù rất có thể cô nhỏ sẽ chun cái mũi hếch và bảo rằng: "Cậu giả vờ tớ!" Nên ngay bây giờ đây, giữa rừng già, có một cậu bạn vừa qua tuổi 18, đang ngẩng đầu lên trời cao ngắm nhìn cầu vồng nửa đêm, dựa vào bờ vai còn mảnh dẻ của cậu là một cô bạn nhỏ đang ngủ ngon lành đầy tin cậy. Cậu thấy mình tự tin và trưởng thành lên nhiều lắm.
Thực ra My chỉ mơ màng một chút mà thôi. Cô bạn lặng lẽ mở mắt từ lâu rồi, và cô ngạc nhiên không thốt nên lời khi thấy cầu vồng nửa đêm. Nhưng My không cho Quang biết, bởi cô vừa phát hiện ra một điều còn đặc biệt hơn. Ở khoảng trống trong rừng này, dưới ánh sáng mờ ảo của trăng non mới mọc sau mưa này, khuôn mặt Quang có vẻ gì đó thật lạ, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, vừa mảnh dẻ vừa vững chãi... đẹp hơn bất kì ánh sáng cầu vồng nào mà cô từng biết. Không gian tựa hồ như đông lại để My giữ mãi khoảnh khắc ấy, giữ mãi nụ cười ấy, giữ mãi ý nghĩ đáng yêu của riêng mình: rằng khi được ở bên người bạn mình yêu quý, sẽ thấy bình tâm và êm dịu lắm ý, một cảm xúc tuyệt đẹp như khi mình được chứng kiến cầu vồng lấp lánh vậy.
Trong một đêm cổ tích…
* Có thể bạn không tin, nhưng cầu vồng thực sự có thể xuất hiện vào ban đêm. Dĩ nhiên là cực kì hiếm và cần rất nhiều điều kiện thuận lợi. Nhưng đã có rồi, ở trên sông Volga (Nga) cách đây đã rất lâu, người ta thấy được tận 9 cầu vồng, và hẳn nhiên, vào nửa đêm.
|